Tôi tự hỏi, nếu một ngày bạn chọn được đúng nghề, đúng người, đúng sở thích mà mình muốn thì duy trì chúng như thế nào? Hẳn là cần một chất liệu nào đó để duy trì chúng chứ nhỉ? Dù là bất cứ thứ gì.
Vâng nếu đang nói đến đam mê, thì bạn vẫn còn là những người nằm trong số đang tìm kiếm hoặc là đam mê hoặc là công việc kiếm ra tiền. Còn khi chỉ bàn về làm thế nào để duy trì đam mê đó thì chúc mừng, bạn đã đến với tuổi 30!
Con số 30 tưởng chừng chẳng có gì đáng kể nếu bạn coi mình đã đi được một phần ba chặng đời, nhưng lại khá là to tát nếu chúng ta chỉ coi như có 60 năm cuộc đời, nếu sau 60 năm đó bạn vẫn chưa có gì trong tay hoặc bạn vẫn chưa biết mình thích gì thì mới thực sự là đáng buồn.
Vậy điều gì giúp cho bạn vượt qua sự mệt mỏi thường nhật khi đã chìm sâu vào công việc và guồng quay cuộc sống? Tôi không nói đến lương tháng hay đồng tiền, mà đang nói về sở thích và chuyên môn, bạn làm thế nào để duy trì nó và giữ vững phong độ thường ngày? Theo tôi nghĩ có một vài yếu tố nhất định mà chúng ta nên xem lại và nên tham khảo qua:
1. Cần tìm kiếm chất liệu cho mọi thứ:
Well, nghe hơi lắp ráp nhưng chắc nhiều người sẽ hiểu rằng con người chúng ta là một thực thể sống nhờ vào sự tương tác và giao tiếp cho dù đó là bạn đang ở với ai hoặc ở một mình. Chúng ta giao tiếp với người thông qua những cuộc trò chuyện, những tin nhắn, những cuộc gọi, những trò chơi nhóm hoặc các trang mạng xã hội, kể cả khi vô chùa tu thì bạn cũng cần giao tiếp với thầy chùa (cười). Từ đó bạn sẽ có những mối quan hệ, những lời hứa, những lời động viên và những lời khuyên mà bản thân chưa nghĩ ra, chưa khám phá hết để rồi cải tiến bản thân trở thành một con người tốt hơn (nếu bạn nhìn ra và chịu thay đổi).
Khi bạn đã đi làm và đang làm trong một môi trường mong muốn, chúng ta cũng cần không ngừng tìm kiếm chất liệu để cải tiến bản thân, cải tiến kỹ năng và trình độ của bản thân, để phù hợp với môi trường, hoặc để trở thành người tiên phong chẳng hạn? Bạn làm ngành nghề kế toán, thì sẽ bổ sung kiến thức bằng những tình huống kế toán hoặc những kỹ năng kế toán mà mình hỏi người tiền bối, hoặc trong sách vở hoặc báo đài hoặc internet. Bạn đi dạy thì sẽ biết mình cần bổ sung kiến thức giảng dạy thông qua đâu, hoặc từ ai nếu bạn thực sự muốn phát triển bản thân, đừng trở thành một con người sáng đi làm tối về nghỉ ngơi và lặp lại điều đó một cách thường xuyên mà không học được gì hoặc trải nghiệm điều gì mới mỗi ngày.
2. Cần áp dụng, thử nghiệm hoặc thử thách cải tiến bản thân:
Nghe như self-help nhưng thực sự tôi đang dần hoàn thiện bản thân theo cách đó, không nhanh chóng vồn vã hoặc đi tắt đón đầu, là một người dần cải tiến, chấp nhận thử thách trong khả năng. Tôi rất cần những chất liệu và hàng tá thông tin mỗi ngày thông qua tương tác với mọi người, học hỏi thông qua việc dạy, việc giao tiếp với học sinh và phụ huynh, những giờ học kỹ năng khác nhau. Ví dụ việc học thủ công đối với nhiều người chỉ đơn giản như xé giấy dán tranh hoặc tô màu, còn tôi sẽ tìm kiếm chất liệu trên các trang mạng để biến nó thành một tiết lắp ráp hoặc hướng đến các kỹ năng trong phạm trù STEM (Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật- Toán học), hướng đến những điều đó, tự nhiên một ngày bạn sẽ trở nên tối ưu, tuy không hoàn hảo những bạn là chuyên gia trong lĩnh vực đó.
3. Đối mặt và vượt qua những thứ độc hại theo cách riêng của mình
Ví dụ bạn sẽ có lúc phải đối diện với một học trò, một người đồng nghiệp, một phụ huynh hoặc một khách hàng khó chịu, luôn soi mói hoặc cản chân, làm đủ mọi cách để mỗi lần nhắc đến bạn là những người xung quanh sẽ có một ánh nhìn khó chịu hoặc ít nhất là dè dặt. Nhưng tin tôi đi, tốt gỗ sẽ hơn tốt nước sơn. Tôi biết xung quanh tôi có những người như vậy, nhưng dường như họ chưa đủ nhanh nhạy hoặc EQ và IQ chưa đủ để vượt qua ranh giới ấy (ranh giới của sự chấp niệm và dèm pha). Họ vẫn luôn trên tinh thần làm điều tốt, giúp đỡ mọi người và chia sẻ khó khăn khi cần, nhưng đến cuối cùng cái họ nhận được vẫn là la mắng và xem thường. Thực ra là vì sao?
Tôi từng thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau với những người này, thử trở thành một người tốt với họ, một đối trọng với họ, một người luôn dè chừng họ, một người vồn vã với họ... Suy cho cùng, những người tốt -chưa-đúng-cách đó sẽ trở nên mạnh mẽ vì họ cho rằng chẳng ai tốt lại với họ, và rằng họ đã phải trải qua quá nhiều áp bức mà không nghĩ rằng: Hãy cứ mạnh mẽ nhưng với một cách khéo léo hơn thì mọi thứ sẽ khác. Mà thường là họ sẽ chọn hẳn về một phía để thể hiện rõ họ là một người như vậy chứ không cố gắng làm gì nữa.
Việc chấp nhận thử thách theo cách tôi nói ở đây là mọi thứ, từ việc mời lơi một ly nước cho đến việc những lời đàm tiếu sau lưng bạn được chính bạn nghe lại từ một người nào đó khác. Bạn sẽ vượt qua nó như thế nào hay để nó trôi thẳng ra biển cho sóng đánh tiếp? Điều này cần thực nghiệm tâm lý với một đối tượng cụ thể nhiều lần để hiểu ra cách nên xử sự với họ ra sao cho đúng.
Vậy đấy, nhiều người chưa hoặc cố tình không hiểu rằng chúng ta đang sống nhờ những chất liệu rất riêng chỉ có trong môi trường chúng ta làm việc, vậy tại sao cứ tỏ ra rằng mình là một con cừu hoặc một con sói nào đó, hoặc là một chiếc vương miện chờ ai đến lấy và đội lên đầu? Tại sao vậy? Hãy trả lời những câu hỏi sau để hiểu rằng bạn nên ở lại hay nên rời đi trong một môi trường nào đó:
Bạn có thích việc bạn đang làm không?
Bạn có cảm thấy bạn thân mình có ích với môi trường mình đang làm không?
Bạn có nhìn thấy tương lai mình là một ai đó trong môi trường mình đang làm không?
Ai cũng có mục đích cho việc làm của mình, ai cũng có niềm vui trong việc làm của mình, hãy trải qua một ngày để tối về ngẫm nghĩ rằng ta vẫn trả lời tốt ba câu hỏi trên thì bạn sẽ yên tâm với việc mình đang làm.