Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

MIỀN KÝ ỨC SAI LỆCH

Có bao giờ bạn công nhận hoặc từng công nhận, hoặc hoàn toàn công nhận rằng chính chúng ta cũng chưa hiểu hết bản thân chúng ta không? Tôi là một người sống và muốn để lại cho đời một thứ gì đó, bằng chứng là tôi đã viết blog, tôi đã hát, đã quay phim, chụp hình những khoảnh khắc đáng nhớ và thậm chí để chúng riêng trong một ổ cứng những bức ảnh từ 2013 đến giờ. Tôi rất sợ một ngày thức dậy và không còn nhớ mình là ai hay mục đích sống của mình là gì nữa. Những bức ảnh, những dòng tâm tư hay những bài hát nhắc tôi nhớ rằng cuộc sống mà tôi đã và đang trải qua thực sự có ý nghĩa và tôi đã là một phần gì đó của xã hội này, hoặc ít nhất là nhân vật chính của cuộc đời mình. 

Tôi làm vậy chắc hẳn phải có lý do của riêng mình. Có thể là tôi công nhận trí nhớ mình kém hơn mọi người, cũng có thể do tôi xem việc lưu trữ và sản xuất một sản phẩm mang thương hiệu cá nhân là một sở thích. Tuy nhiên, sau khi đọc qua một vài  cuốn sách tâm lý học, tôi xem đó là một hiện tượng mà tôi tự đặt tên: Miền ký ức sai lệch. 

Vậy nó là gì? Mọi người thực sự đã trải qua nó hay chưa? Xin thưa rằng ai cũng ít nhất phải trải qua nó một vài lần trong đời trừ khi bạn có một người, hay một chiếc camera ghi hình bạn từ lúc mới sinh ra đến lúc bạn mất đi để làm bằng chứng mỗi khi có một sự kiện nào đó xảy ra. Bạn biết đấy, mỗi ngày trôi qua chúng ta trải qua biết bao nhiêu sự kiện trong cuộc sống từ đơn giản đến phức tạp, bao nhiêu sự nhầm lẫn hoặc hiểu lầm được minh oan, bao nhiêu tội lỗi tiếp tục được gây ra bởi sự đãng trí của chúng ta? Và quan trọng nhất là: Bao nhiêu sự thật về quá khứ đã bị bóp méo một cách vô thức? 


Tôi có câu chuyện thế này: Khi bé tôi có một sở thích (chắc chỉ xảy ra trong vòng vài tháng) là mỗi lần xem cải lương tôi sẽ khóc, không cần biết chương trình cải lương đó diễn ra ở đâu và xung quanh tôi đang có ai, miễn là nghe tiếng cải lương hoặc thấy chương trình cải lương là tôi sẽ khóc thật to. Làm sao tôi nhớ được ư? Là do mẹ tôi kể lại, ba tôi đồng ý với việc đó và cũng không giải thích gì nhiều, những người nghe mẹ tôi kể lại cũng gật gù đồng ý và ghim rằng hồi bé tính nết của tôi mặc định nghe cải lương là sẽ khóc rất to. Nhưng thật sự là, trong một dịp tình cờ tôi nghe được từ một người hàng xóm nói rằng hồi xưa tôi cũng khóc khi nghe đến chương trình cải lương, nhưng là do lúc đó tôi đang mếu máo để cố gắng đòi một món đồ hay làm một việc gì đó thôi. Sau khi nghe những lời đó, tôi chợt cảm thấy ký ức của mình có chút gì đó không vững vàng, thật sự là tôi không nhớ gì và cũng chỉ nhớ vắn tắt rằng ừ thì mình có đôi lần khóc khi nghe thấy chương trình cải lương ở đâu đó. Tôi bắt đầu hoài nghi lời của mẹ và sự công nhận của mọi người xung quanh về ký ức của mình. 

Có một sự thật là, khi thông tin ký ức gốc của bạn được đưa ra, chỉ có vài người hoặc duy nhất một người làm chứng cho sự kiện đó, và tất nhiên khi bạn lớn lên bạn sẽ không nhớ nổi sự kiện đó như thế nào, nhưng người làm chứng đó nếu hay nhắc về nó thì bạn sẽ hình thành nên một vùng ký ức khá vững chắc. Tức là nếu mẹ tôi đã nhớ sai hoặc khẳng định sai lầm từ một khoảng thời gian ngắn tôi vòi vĩnh một thứ gì đó, mà suy ra tôi hồi bé là một người ghét cải lương, thì quả nhiên tôi tự khẳng định mình là một người khi bé rất sợ nghe cải lương. 



Nghe có vẻ đơn giản dễ hiểu và vô hại đúng không nào? Nhưng khi bạn lớn lên và trải đủ nhiều, bạn sẽ sớm thấy lạnh tóc gáy vì hiệu ứng đó được gọi là hiệu ứng "tẩy não". Tôi nói một cách ngắn gọn thế này. Một ngày đẹp trời nọ bạn và một người xảy ra tranh luận, dẫn đến cãi vã xem ai đúng ai sai, và cuối cùng lý lẽ của bạn đúng nhưng chỉ là 40% đúng của cuộc tranh cãi, còn người kia có lý hơn đôi chút vì nhiều dẫn chứng hơn chẳng hạn, thế là cuộc cãi vã kết thúc. Theo suy luận thông thường thì hai bạn đều có lý và chẳng ai phải ê chề. Nhưng người làm chứng ( tức là người cãi vã với bạn ) nói thầm, nói sau lưng, nói với những người đang bênh vực bạn rằng lý lẽ đó sai lầm, dần dần bạn trở thành một kẻ thua trong cuộc cãi vã đó, đúng nghĩa đen! 


Nếu bạn kịp thời phát hiện ra thông tin lan truyền đó và lập tức đính chính với kẻ gây ra thông tin sai lệch, bạn có khả năng gỡ hoà và giữ lại được danh dự. Còn nếu xui, hoặc bạn đang bận bịu với việc khác và bất chợt một ngày mọi người ủng hộ bạn chợt quay lưng nhìn bạn bằng ánh mắt hoài nghi, thì chúc mừng, họ đã bị tẩy não thành công và bạn đã bị thua trong cuộc chiến một cách hoàn hảo không ngờ đến. Công thức là: đưa ra những tin đồn giả từ một sự kiện nào đó, tất nhiên là những tin đồn đó phải có lý, và rằng nó nằm trên bờ của sự ngờ vực mà người ta đang phân vân chưa biết nghe theo ai, và lặp đi lặp lại những tin đồn đó mỗi lần người nghe quan sát đối tượng, cho đến khi họ hoàn toàn đồng ý với tin đồn giả. 

Giải pháp ư? Nếu bạn nghĩ cuộc tranh luận đã dừng ở đó và okay 40-60 và bạn không nhất thiết phải thanh minh, thì hãy khoan đã, bạn nên công tác tư tưởng với những người ủng hộ quan điểm của mình thường xuyên. Không cần vồ vập hỏi han, chỉ cần nhắc lại khi có dịp rằng bạn ủng hộ quan điểm đó và xem rằng những người ủng hộ bạn còn giữ nguyên ý kiến đó không hay có một thay đổi nào đó trong tâm trí, mà điều này không phải ai cũng kiểm tra được, vì chúng ta đang sống trong một xã hội bận rộn bao nhiêu việc phải làm đúng không nào? Hoặc bạn buông xuôi khi thua trong cuộc chiến thao túng tâm lý này và để nó làm tiền đề để mỗi khi bắt đầu một cuộc tranh luận khác trong tương lai, chẳng còn ai nghe bạn và ủng hộ quan điểm của bạn nữa. 

Thực ra, trí nhớ của con người mong manh hơn ta tưởng, chúng ta rất dễ mắc sai sót, dễ bị tác động ngay cả những người có trí nhớ tốt. Chẳng thế mà chúng ta hay có xu hướng cần người làm chứng cho mọi sự kiện dù là nhỏ nhất đấy thôi! Từ khoảnh khắc bạn cùng ai đó làm chứng cho một sự kiện nào đó, chúng ta đã phó mặc miền ký ức đúng của chúng ta vào tay người khác rồi. 

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

CHẤT LIỆU CUỘC SỐNG

Tôi tự hỏi, nếu một ngày bạn chọn được đúng nghề, đúng người, đúng sở thích mà mình muốn thì duy trì chúng như thế nào? Hẳn là cần một chất liệu nào đó để duy trì chúng chứ nhỉ? Dù là bất cứ thứ gì.  

Vâng nếu đang nói đến đam mê, thì bạn vẫn còn là những người nằm trong số đang tìm kiếm hoặc là đam mê hoặc là công việc kiếm ra tiền. Còn khi chỉ bàn về làm thế nào để duy trì đam mê đó thì chúc mừng, bạn đã đến với tuổi 30! 

Con số 30 tưởng chừng chẳng có gì đáng kể nếu bạn coi mình đã đi được một phần ba chặng đời, nhưng lại khá là to tát nếu chúng ta chỉ coi như có 60 năm cuộc đời, nếu sau 60 năm đó bạn vẫn chưa có gì trong tay hoặc bạn vẫn chưa biết mình thích gì thì mới thực sự là đáng buồn. 

Vậy điều gì giúp cho bạn vượt qua sự mệt mỏi thường nhật khi đã chìm sâu vào công việc và guồng quay cuộc sống? Tôi không nói đến lương tháng hay đồng tiền, mà đang nói về sở thích và chuyên môn, bạn làm thế nào để duy trì nó và giữ vững phong độ thường ngày? Theo tôi nghĩ có một vài yếu tố nhất định mà chúng ta nên xem lại và nên tham khảo qua: 

1. Cần tìm kiếm chất liệu cho mọi thứ: 

Well, nghe hơi lắp ráp nhưng chắc nhiều người sẽ hiểu rằng con người chúng ta là một thực thể sống nhờ vào sự tương tác và giao tiếp cho dù đó là bạn đang ở với ai hoặc ở một mình. Chúng ta giao tiếp với người thông qua những cuộc trò chuyện, những tin nhắn, những cuộc gọi, những trò chơi nhóm hoặc các trang mạng xã hội, kể cả khi vô chùa tu thì bạn cũng cần giao tiếp với thầy chùa (cười). Từ đó bạn sẽ có những mối quan hệ, những lời hứa, những lời động viên và những lời khuyên mà bản thân chưa nghĩ ra, chưa khám phá hết để rồi cải tiến bản thân trở thành một con người tốt hơn (nếu bạn nhìn ra và chịu thay đổi). 

Khi bạn đã đi làm và đang làm trong một môi trường mong muốn, chúng ta cũng cần không ngừng tìm kiếm chất liệu để cải tiến bản thân, cải tiến kỹ năng và trình độ của bản thân, để phù hợp với môi trường, hoặc để trở thành người tiên phong chẳng hạn? Bạn làm ngành nghề kế toán, thì sẽ bổ sung kiến thức bằng những tình huống kế toán hoặc những kỹ năng kế toán mà mình hỏi người tiền bối, hoặc trong sách vở hoặc báo đài hoặc internet. Bạn đi dạy thì sẽ biết mình cần bổ sung kiến thức giảng dạy thông qua đâu, hoặc từ ai nếu bạn thực sự muốn phát triển bản thân, đừng trở thành một con người sáng đi làm tối về nghỉ ngơi và lặp lại điều đó một cách thường xuyên mà không học được gì hoặc trải nghiệm điều gì mới mỗi ngày. 

2. Cần áp dụng, thử nghiệm hoặc thử thách cải tiến bản thân: 

Nghe như self-help nhưng thực sự tôi đang dần hoàn thiện bản thân theo cách đó, không nhanh chóng vồn vã hoặc đi tắt đón đầu, là một người dần cải tiến, chấp nhận thử thách trong khả năng. Tôi rất cần những chất liệu và hàng tá thông tin mỗi ngày thông qua tương tác với mọi người, học hỏi thông qua việc dạy, việc giao tiếp với học sinh và phụ huynh, những giờ học kỹ năng khác nhau. Ví dụ việc học thủ công đối với nhiều người chỉ đơn giản như xé giấy dán tranh hoặc tô màu, còn tôi sẽ tìm kiếm chất liệu trên các trang mạng để biến nó thành một tiết lắp ráp hoặc hướng đến các kỹ năng trong phạm trù STEM (Khoa học- Công nghệ- Kỹ thuật- Toán học), hướng đến những điều đó, tự nhiên một ngày bạn sẽ trở nên tối ưu, tuy không hoàn hảo những bạn là chuyên gia trong lĩnh vực đó. 


3.  Đối mặt và vượt qua những thứ độc hại theo cách riêng của mình

Ví dụ bạn sẽ có lúc phải đối diện với một học trò, một người đồng nghiệp, một phụ huynh hoặc một khách hàng khó chịu, luôn soi mói hoặc cản chân, làm đủ mọi cách để mỗi lần nhắc đến bạn là những người xung quanh sẽ có một ánh nhìn khó chịu hoặc ít nhất là dè dặt. Nhưng tin tôi đi, tốt gỗ sẽ hơn tốt nước sơn. Tôi biết xung quanh tôi có những người như vậy, nhưng dường như họ chưa đủ nhanh nhạy hoặc EQ và IQ chưa đủ để vượt qua ranh giới ấy (ranh giới của sự chấp niệm và dèm pha). Họ vẫn luôn trên tinh thần làm điều tốt, giúp đỡ mọi người và chia sẻ khó khăn khi cần, nhưng đến cuối cùng cái họ nhận được vẫn là la mắng và xem thường. Thực ra là vì sao? 

Tôi từng thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau với những người này, thử trở thành một người tốt với họ, một đối trọng với họ, một người luôn dè chừng họ, một người vồn vã với họ... Suy cho cùng, những người tốt -chưa-đúng-cách đó sẽ trở nên mạnh mẽ vì họ cho rằng chẳng ai tốt lại với họ, và rằng họ đã phải trải qua quá nhiều áp bức mà không nghĩ rằng: Hãy cứ mạnh mẽ nhưng với một cách khéo léo hơn thì mọi thứ sẽ khác. Mà thường là họ sẽ chọn hẳn về một phía để thể hiện rõ họ là một người như vậy chứ không cố gắng làm gì nữa. 

Việc chấp nhận thử thách theo cách tôi nói ở đây là mọi thứ, từ việc mời lơi một ly nước cho đến việc những lời đàm tiếu sau lưng bạn được chính bạn nghe lại từ một người nào đó khác. Bạn sẽ vượt qua nó như thế nào hay để nó trôi thẳng ra biển cho sóng đánh tiếp? Điều này cần thực nghiệm tâm lý với một đối tượng cụ thể nhiều lần để hiểu ra cách nên xử sự với họ ra sao cho đúng. 

Vậy đấy, nhiều người chưa hoặc cố tình không hiểu rằng chúng ta đang sống nhờ những chất liệu rất riêng chỉ có trong môi trường chúng ta làm việc, vậy tại sao cứ tỏ ra rằng mình là một con cừu hoặc một con sói nào đó, hoặc là một chiếc vương miện chờ ai đến lấy và đội lên đầu? Tại sao vậy? Hãy trả lời những câu hỏi sau để hiểu rằng bạn nên ở lại hay nên rời đi trong một môi trường nào đó: 

Bạn có thích việc bạn đang làm không? 

Bạn có cảm thấy bạn thân mình có ích với môi trường mình đang làm không? 

Bạn có nhìn thấy tương lai mình là một ai đó trong môi trường mình đang làm không? 

Ai cũng có mục đích cho việc làm của mình, ai cũng có niềm vui trong việc làm của mình, hãy trải qua một ngày để tối về ngẫm nghĩ rằng ta vẫn trả lời tốt ba câu hỏi trên thì bạn sẽ yên tâm với việc mình đang làm. 

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

ĐỜI LÀ MỘT SIÊU THỊ

Thực ra chúng ta đang sống trong một vòng tròn đầy ắp những thứ mình đã xây dựng bấy lâu nay. Chúng ta bận rộn với việc làm, bận rộn với gia đình, bận rộn với thú vui thậm chí bận đi ngủ. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn quay cuồng với mọi thứ xung quanh chúng ta. Đến một ngày mất một thứ gì đó chúng ta mới suy luận ngược lại liệu mình có cần thứ đó hay không. 

Vậy với việc xoay quanh những thứ khiến chúng ta bận rộn cả ngày, liệu có thể phân biệt những thứ chúng-ta-muốn và những thứ chúng-ta-cần để nâng cao năng suất làm việc hay không?  


Thử tượng tượng bạn là một người đã có khá đầy đủ những thứ về vật chất, tinh thần và trí tuệ. Bạn bước vào siêu thị cuộc đời và chọn một món, nhưng bạn không thể dùng tiền để mua những món đồ này mà chỉ có thể đánh đổi bằng những thứ khác- những gì mình đã có hay còn gọi là những tài sản vòng tròn của bạn. Lâu lâu hãy thử vào lại một lần, và cập nhật giỏ hàng đó xem những thứ đó bạn còn cần hay không. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng những thứ trước đây bạn từng tưởng nó rất cần thiết hóa ra thực sự vô nghĩa. 


Theo logic như vậy, bạn chỉ cần lập ra một vài danh sách những thứ bạn mong muốn trong tương lai gần và cái giá phải trả để đạt được nó. Tôi muốn giảm 10 ký- đồng nghĩa với việc tôi ăn bớt đồ ăn béo và bớt ăn khuya lại. Đơn giản như vậy đấy, việc còn lại là làm thôi. Vậy đấy, nhưng bạn biết điều gì là quan trọng với bạn và bạn cần điều gì chưa? Rõ ràng khi bạn là một người thích lên kế hoạch mọi thứ thì bạn sẽ hiểu rất rõ. Trong trường hợp bạn là người thích tận hưởng cuộc sống và không quá quan trọng đến những vấn đề tiểu tiết thì sao nhỉ? Vậy thì chỉ cần nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ gắn bó với nghề nghiệp gì với công việc gì và điều đó cần những thứ gì để tốt lên là được. 

Tôi đã từng học tiếng Anh theo cái kiểu không cần phương pháp gì cả, từng rất ghét kỳ thi Ielts và thích gì đọc nấy. Cái tôi có được bây giờ không chỉ là một nguồn kiến thức rộng lớn mà nó là một bộ khung vững chắc. Đổi lại không chủ đề nào hay thứ gì tôi biết sâu cả. Nhưng tôi biết tôi thiếu cái gì và đào sâu lên. 

Sau đó tôi sẽ cân nhắc đến khả năng của mình, nếu mình có thể gắn bó với quá trình đó lâu dài hay không bằng việc xem mình có thích làm nó ngày này qua tháng nọ hay không và làm nó bao lâu thì nản. Cụ thể thì tôi chỉ có một vài sở thích xoay quanh sau ngần ấy năm nghiên cứu và trải nghiệm: ca hát, vẽ vời, xem phim, nghe nhạc, dạy học, chơi game. Tổng hòa những mối liên quan giữa những sở thích đó tôi gọi mình là một người thích sự đa dạng của cuộc sống. Điều này tưởng chừng như thú vị và có chút phi thường nhưng thực sự là một thảm họa nếu bạn hiểu về nó. Bởi vì một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Theo tôi, làm gì cũng vậy, bạn càng làm ít việc, tay nghề của việc đó càng được nâng cao. Hoặc bạn biết nhiều thì hãy đi làm quản lý cho rồi. 

Nhưng suy cho cùng, với vai trò là một người mua sắm thì bạn có thể là bất cứ ai. Bạn chính là thuyền trưởng trên con tàu của mình. Bạn có thể bẻ lái khi gần đến đích hay đi tiếp sau khi đến đích cũng được. Cuộc sống là một chuỗi những thứ tương đối và đánh đổi. Bạn biết mình đang ở đâu và bạn đang hài lòng với cuộc sống của mình không? Điều đó mới quan trọng. 

CHUẨN BỊ CHO PHẦN CỦA MÌNH

Niềm hân hoan trong ngày đầu năm 2024 của tuổi 30 khiến tôi muốn ngồi viết vài dòng. Thứ nhất hân hoan vì xung quanh bạn bè, anh em dần có g...