Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

MIỀN KÝ ỨC SAI LỆCH

Có bao giờ bạn công nhận hoặc từng công nhận, hoặc hoàn toàn công nhận rằng chính chúng ta cũng chưa hiểu hết bản thân chúng ta không? Tôi là một người sống và muốn để lại cho đời một thứ gì đó, bằng chứng là tôi đã viết blog, tôi đã hát, đã quay phim, chụp hình những khoảnh khắc đáng nhớ và thậm chí để chúng riêng trong một ổ cứng những bức ảnh từ 2013 đến giờ. Tôi rất sợ một ngày thức dậy và không còn nhớ mình là ai hay mục đích sống của mình là gì nữa. Những bức ảnh, những dòng tâm tư hay những bài hát nhắc tôi nhớ rằng cuộc sống mà tôi đã và đang trải qua thực sự có ý nghĩa và tôi đã là một phần gì đó của xã hội này, hoặc ít nhất là nhân vật chính của cuộc đời mình. 

Tôi làm vậy chắc hẳn phải có lý do của riêng mình. Có thể là tôi công nhận trí nhớ mình kém hơn mọi người, cũng có thể do tôi xem việc lưu trữ và sản xuất một sản phẩm mang thương hiệu cá nhân là một sở thích. Tuy nhiên, sau khi đọc qua một vài  cuốn sách tâm lý học, tôi xem đó là một hiện tượng mà tôi tự đặt tên: Miền ký ức sai lệch. 

Vậy nó là gì? Mọi người thực sự đã trải qua nó hay chưa? Xin thưa rằng ai cũng ít nhất phải trải qua nó một vài lần trong đời trừ khi bạn có một người, hay một chiếc camera ghi hình bạn từ lúc mới sinh ra đến lúc bạn mất đi để làm bằng chứng mỗi khi có một sự kiện nào đó xảy ra. Bạn biết đấy, mỗi ngày trôi qua chúng ta trải qua biết bao nhiêu sự kiện trong cuộc sống từ đơn giản đến phức tạp, bao nhiêu sự nhầm lẫn hoặc hiểu lầm được minh oan, bao nhiêu tội lỗi tiếp tục được gây ra bởi sự đãng trí của chúng ta? Và quan trọng nhất là: Bao nhiêu sự thật về quá khứ đã bị bóp méo một cách vô thức? 


Tôi có câu chuyện thế này: Khi bé tôi có một sở thích (chắc chỉ xảy ra trong vòng vài tháng) là mỗi lần xem cải lương tôi sẽ khóc, không cần biết chương trình cải lương đó diễn ra ở đâu và xung quanh tôi đang có ai, miễn là nghe tiếng cải lương hoặc thấy chương trình cải lương là tôi sẽ khóc thật to. Làm sao tôi nhớ được ư? Là do mẹ tôi kể lại, ba tôi đồng ý với việc đó và cũng không giải thích gì nhiều, những người nghe mẹ tôi kể lại cũng gật gù đồng ý và ghim rằng hồi bé tính nết của tôi mặc định nghe cải lương là sẽ khóc rất to. Nhưng thật sự là, trong một dịp tình cờ tôi nghe được từ một người hàng xóm nói rằng hồi xưa tôi cũng khóc khi nghe đến chương trình cải lương, nhưng là do lúc đó tôi đang mếu máo để cố gắng đòi một món đồ hay làm một việc gì đó thôi. Sau khi nghe những lời đó, tôi chợt cảm thấy ký ức của mình có chút gì đó không vững vàng, thật sự là tôi không nhớ gì và cũng chỉ nhớ vắn tắt rằng ừ thì mình có đôi lần khóc khi nghe thấy chương trình cải lương ở đâu đó. Tôi bắt đầu hoài nghi lời của mẹ và sự công nhận của mọi người xung quanh về ký ức của mình. 

Có một sự thật là, khi thông tin ký ức gốc của bạn được đưa ra, chỉ có vài người hoặc duy nhất một người làm chứng cho sự kiện đó, và tất nhiên khi bạn lớn lên bạn sẽ không nhớ nổi sự kiện đó như thế nào, nhưng người làm chứng đó nếu hay nhắc về nó thì bạn sẽ hình thành nên một vùng ký ức khá vững chắc. Tức là nếu mẹ tôi đã nhớ sai hoặc khẳng định sai lầm từ một khoảng thời gian ngắn tôi vòi vĩnh một thứ gì đó, mà suy ra tôi hồi bé là một người ghét cải lương, thì quả nhiên tôi tự khẳng định mình là một người khi bé rất sợ nghe cải lương. 



Nghe có vẻ đơn giản dễ hiểu và vô hại đúng không nào? Nhưng khi bạn lớn lên và trải đủ nhiều, bạn sẽ sớm thấy lạnh tóc gáy vì hiệu ứng đó được gọi là hiệu ứng "tẩy não". Tôi nói một cách ngắn gọn thế này. Một ngày đẹp trời nọ bạn và một người xảy ra tranh luận, dẫn đến cãi vã xem ai đúng ai sai, và cuối cùng lý lẽ của bạn đúng nhưng chỉ là 40% đúng của cuộc tranh cãi, còn người kia có lý hơn đôi chút vì nhiều dẫn chứng hơn chẳng hạn, thế là cuộc cãi vã kết thúc. Theo suy luận thông thường thì hai bạn đều có lý và chẳng ai phải ê chề. Nhưng người làm chứng ( tức là người cãi vã với bạn ) nói thầm, nói sau lưng, nói với những người đang bênh vực bạn rằng lý lẽ đó sai lầm, dần dần bạn trở thành một kẻ thua trong cuộc cãi vã đó, đúng nghĩa đen! 


Nếu bạn kịp thời phát hiện ra thông tin lan truyền đó và lập tức đính chính với kẻ gây ra thông tin sai lệch, bạn có khả năng gỡ hoà và giữ lại được danh dự. Còn nếu xui, hoặc bạn đang bận bịu với việc khác và bất chợt một ngày mọi người ủng hộ bạn chợt quay lưng nhìn bạn bằng ánh mắt hoài nghi, thì chúc mừng, họ đã bị tẩy não thành công và bạn đã bị thua trong cuộc chiến một cách hoàn hảo không ngờ đến. Công thức là: đưa ra những tin đồn giả từ một sự kiện nào đó, tất nhiên là những tin đồn đó phải có lý, và rằng nó nằm trên bờ của sự ngờ vực mà người ta đang phân vân chưa biết nghe theo ai, và lặp đi lặp lại những tin đồn đó mỗi lần người nghe quan sát đối tượng, cho đến khi họ hoàn toàn đồng ý với tin đồn giả. 

Giải pháp ư? Nếu bạn nghĩ cuộc tranh luận đã dừng ở đó và okay 40-60 và bạn không nhất thiết phải thanh minh, thì hãy khoan đã, bạn nên công tác tư tưởng với những người ủng hộ quan điểm của mình thường xuyên. Không cần vồ vập hỏi han, chỉ cần nhắc lại khi có dịp rằng bạn ủng hộ quan điểm đó và xem rằng những người ủng hộ bạn còn giữ nguyên ý kiến đó không hay có một thay đổi nào đó trong tâm trí, mà điều này không phải ai cũng kiểm tra được, vì chúng ta đang sống trong một xã hội bận rộn bao nhiêu việc phải làm đúng không nào? Hoặc bạn buông xuôi khi thua trong cuộc chiến thao túng tâm lý này và để nó làm tiền đề để mỗi khi bắt đầu một cuộc tranh luận khác trong tương lai, chẳng còn ai nghe bạn và ủng hộ quan điểm của bạn nữa. 

Thực ra, trí nhớ của con người mong manh hơn ta tưởng, chúng ta rất dễ mắc sai sót, dễ bị tác động ngay cả những người có trí nhớ tốt. Chẳng thế mà chúng ta hay có xu hướng cần người làm chứng cho mọi sự kiện dù là nhỏ nhất đấy thôi! Từ khoảnh khắc bạn cùng ai đó làm chứng cho một sự kiện nào đó, chúng ta đã phó mặc miền ký ức đúng của chúng ta vào tay người khác rồi. 

Không có nhận xét nào:

CHUẨN BỊ CHO PHẦN CỦA MÌNH

Niềm hân hoan trong ngày đầu năm 2024 của tuổi 30 khiến tôi muốn ngồi viết vài dòng. Thứ nhất hân hoan vì xung quanh bạn bè, anh em dần có g...