Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

NGHỀ GIÁO CÓ THỰC SỰ BẠC BẼO?



Vào những năm 70, nghề giáo đã bạc bẽo như vậy rồi. Còn nhớ mẹ vẫn kể rằng ở lớp của mẹ hồi xưa, thầy hay gõ đầu mấy đứa ngồi bàn đầu học dở :"Quân này sau này lại đi gõ đầu trẻ cho xem". Y như rằng, những đứa bạn hồi xưa học rất dở bây giờ toàn làm hiệu trưởng hiệu phó hoặc khối trưởng, tổ trưởng tổ bộ môn, còn mẹ thì lại đi kinh doanh tự do tuyệt nhiên không liên quan đến các công việc nhà nước. Vì trước đây ngành sư phạm lấy rất ít điểm, đến nỗi chỉ cần thi là đậu thì nhiều người lại không thi, vì không biết mình thích gì và thấy ngành đó điểm quá bèo. Cuộc sống vốn dĩ là vậy, bởi lẽ tụi học trò cấp 2 giờ đây bước vào cấp 3 với 1 tư duy không biết phải chọn ngành gì, còn những ông bố bà mẹ vẫn mải mê chọn cho chúng từ hồi tiểu học cơ. Sau này lớn lên khi chúng phát hiện ra chúng thích cái gì thì cũng toàn là phát hiện vào những lúc trớ trêu ví dụ như học đến đại học năm cuối, làm 1 công việc như chuyên ngành trên tấm bằng đại học đã ghi. 

Có nhiều người đến với nghề dạy học với những mục đích khác nhau, nhưng chung quy tôi cũng rút ra một số lý do cơ bản của họ:
1- Đi dạy vì yêu học trò, thích nói chuyện với con nít và cảm thấy trẻ hơn, bớt căng thẳng hơn.
2- Đi dạy vì cảm thấy những ngành nghề khác bon chen khó thở hơn nghề giáo, và rằng nghề giáo chẳng bao giờ là lỗi thời.
3- Đi dạy vì muốn được tôn trọng và tính cách mình không thích bị người khác coi thường đánh giá, nói chung lòng tự tôn cao. Và dù bạn là con nhà ai thì thực tế bạn vẫn phải đi học.
Khi tôi còn học cấp 3, đến những tháng cuối ôn thi tốt nghiệp và chuẩn bị bước vào kì thi đại học. Một cô giáo dạy Lý đã khẳng định rằng: các em đừng thi vào sư phạm, đừng bao giờ vào nghề này kẻo sau này hối hận đấy. Lúc đấy tôi đang thích theo sư phạm (vì 3 lý do nêu trên ) nên không quan tâm lắm đến những lời cô nói. 
Khi tôi bước vào đại học, lúc đấy là ngành tài chính- ngân hàng, thì lại cảm giác thích nghề dạy học hơn nữa. Sáng đi đến giảng đường, chiều chạy show đi dạy tiếng Anh, nào là trung tâm, nào là dạy kèm... Cảm giác thư thái và dễ chịu hơn. Có lúc tôi từng nghĩ, dạy tụi nhỏ là tất cả những gì mà tôi có thể làm được. Đến thời điểm này sau 3 năm (từ 2015- nay) tiếp xúc với nghề dạy tiếng Anh cho kids, nhận ra nhiều điều, nghe kể cũng nhiều, rút ra được những điều mà 3 điều trên trước đây mình suy nghĩ nó chưa hẳn đúng: 
1- Đi dạy vì yêu học trò: 
Bạn phải đối mặt với một lớp có khi lên đến 50 học sinh nếu trong trường và lên đến 30 đứa nếu trong trung tâm. Bạn phải thực sự tinh tế và não phải hoạt động liên tục để xử lý tình huống đến từ 30 đứa nhỏ. Có rất nhiều chuyện có thể xảy ra trong lớp từ không chịu nghe lời, bướng bỉnh, mất cắp đổ lỗi... cho đến chống đối giáo viên, và khi bạn cảm thấy giải pháp cư xử ôn hòa không hiệu quả và bạn không chịu nổi thì sẽ có vài phương án đưa ra: răn đe, mời xuống gặp những người có chức vụ cao hơn để tiếp tục răn đe, gọi điện mời phụ huynh... Một giáo viên có tâm sẽ biết phải làm gì với tụi học trò, nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực sự khó, rất nhiều người không có khả năng tinh tế nhạy bén quan sát đã phải bỏ cuộc giữa chừng với lý do: tôi không hợp với việc dạy lớp nhỏ! Và rằng sự dạy dỗ suy cho cùng cũng liên quan đến nhiều khía cạnh, từ phía gia đình đứa trẻ, từ bản thân người giáo viên và cuối cùng là bản thân đứa trẻ. Cứ nghĩ đi, 30 cá tính khác nhau, 30 gia đình, những lời nói sau lớp học về giáo viên của học trò, và bản thân mình là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Vì dù ra sao đi nữa tụi nhỏ cũng phải bước vào kì thi cuối khóa hoặc cuối kì và kết quả thi sẽ được thể hiện qua quá trình phấn đấu và được nhận xét bởi những người khác nữa chứ không còn trong phạm vi thầy trò trên lớp (cha mẹ, hiệu trưởng, đồng nghiệp…). 

"sự dạy dỗ suy cho cùng cũng liên quan đến nhiều khía cạnh"

Chưa nói đến việc khi nhận 1 lớp, đối với trung tâm, trách nhiệm của bạn nằm ở sự nhiệt tình, phải cực kì nhiệt tình và sáng tạo, bạn mới nhận được đồng lương xứng đáng với công sức, không những thế còn là sự quý mến từ phía học sinh. Còn trong trường ư? Bạn phải nhiệt tình gấp đôi và sáng tạo gấp đôi để nhận được những thứ chỉ bẳng 1 nửa công sức bỏ ra, bạn sẽ cảm thấy không xứng đáng, và chỉ có sự quý mến và chăm ngoan của học sinh có thể bù đắp. May mắn hơn, bạn sẽ có thể có 1 vài lớp dạy kèm riêng từ trong trường và thu nhập khá hơn 1 tí (đối với ngành tiếng Anh). Những lớp dạy luyện thi đại học mà tôi vẫn thường thấy hồi cấp 3, bây giờ nghĩ lại là một điều ám ảnh ngay đối với cả giáo viên, và tôi hiểu vì sao cô dạy Lý khi đó lại nói với tôi như vậy. Các bạn có thể thấy một vài giáo viên lớn tuổi có nhiều học sinh theo học, kiếm bộn tiền học phí, nhưng xin thưa mấy ai được như họ? Và các bạn biết họ đã bỏ ra những gì, đánh đổi những gì để bây giờ được như vậy?  Có vẻ chúng ta hào hứng với những người đã thành công, nhưng khi bước vào quá  trình để thành công thì chúng ta lại mất phương hướng. Vậy nên các diễn giả dù có hay và giỏi đến cỡ nào họ cũng một phần nhờ may mắn mà đi được đến thời điểm này. Giống như bạn đầu tư vậy, nhưng thời điểm đơm hoa kết trái của 1 giáo viên xảy ra rất lâu sau đó. Và thậm chí nếu không biết cách hoặc kém may mắn, bạn sẽ mãi chỉ đi dạy linh tinh. Nói đến nghề dạy học xin thưa đừng nói đến việc “có ngon lành hay không?”, mà nên hỏi rằng “có yêu việc này không?”, vì bạn sẽ chuẩn bị bước vào sự nghiệp trồng người dài đằng đẵng cần một sự bền bỉ, kiên trì, sáng tạo, bỏ ra chất xám, mồ hôi công sức để đổi lấy sự trưởng thành của các thế hệ. Hơn nữa việc dạy tiếng Anh cần rất nhiều sự sáng tạo và đột phá trong cách giảng dạy. Bạn có sẵn sàng bước vào một nghề như thế này vì mục đích kiếm tiền?

2- Đi dạy vì nghề giáo ít bon chen tính toán:
Đến bây giờ suy nghĩ đó tôi nghĩ cũng chỉ đúng một nửa. Đúng là ít bon chen và tính toán, nhưng không phải là không có, và tôi đã từng ghi nhận những trường hợp khá tồi tệ. Do bản chất của mỗi người mà thôi. Kể cả nghề nghiệp bạn làm cũng khó lòng thay đổi bản chất của bạn. Bạn sống trầm lắng? Sau giờ dạy bạn sẽ vẫn suy tư trầm lắng. Bạn sống sôi nổi? Sau khi hết tiết cảm thấy stress vẫn có thể đi bar tụ tập nhậu nhẹt như bình thường. Do xã hội thời xưa hay đánh giá người giáo viên trên mọi mặt để cả cách họ sống, nên giờ đây cũng vẫn như thế dù đã được cải thiện. Đâu phải cứ là nhà khoa học thì sẽ luôn hành động có khoa học? Nếu như vậy thì chắc các nhà khoa học không ra đường với vẻ mặt rối bời cùng bộ quần áo lôi thôi, cũng như họ không thức khuya  để mất ăn mất ngủ rồi đổ bệnh đâu *cười*. 
Hình ảnh có liên quan
"Bạn có sẵn sàng bước vào một nghề như thế này vì mục đích kiếm tiền?"

Tôi thấy giới trẻ giờ đây theo ngành sư phạm đã tiến bộ hơn rất nhiều so với thời xưa từ cách ăn mặc, cá tính cho đến phong cách giảng dạy, đã phóng khoáng hơn nhiều. Nhưng cho dù là ai cũng phải đối mặt với bao nhiêu đấy con người, và môi trường xung quanh nữa. Nếu dạy trung tâm thì điều bạn lo chỉ là sự cạnh tranh từ những người đồng nghiệp, bạn có thể yên tâm tập trung việc dạy học và kết quả của lớp được đánh giá hoàn toàn thông qua điểm số và kỹ năng học sinh đạt được. Còn trên trường, xin thưa đánh giá trên đủ loại mặt. Nào là phong trào thi đua, tuyên dương giáo viên dạy giỏi, đùn đẩy việc và nói xấu bôi nhọ danh dự, làm ơn mắc oán hoặc giành học sinh dạy thêm,… đủ kiểu có thể xảy đến tùy mỗi trường và mỗi giáo viên trong trường. Thậm chí bạn dạy chỉ có 30% thôi còn lại bạn làm việc khác là nhiều. Và nếu sau này có gia đình liệu bạn có thể tiếp tục như vậy? Bạn có thể là 1 người nhạy cảm nên chọn khối ngành này, nhưng vô trường sau 1 năm, 2 năm, 3 năm bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ mạnh mẽ cứng rắn hơn, ít nhất là đối với tụi học trò bướng bỉnh. Hồi lớp 8, lớp tôi là một lớp đội sổ cả trường về môn văn, về độ quậy phá thì chẳng thua lớp 1 buổi nào mặc dù là lớp bán trú. Năm đó cô chủ nhiệm (dạy môn hóa) đã phải bật khóc giữa giờ sinh hoạt lớp, cô cảm thấy bất lực với cái lớp của tôi. Mãi sau này tôi nghĩ lại mới thấy cô thật đáng thương. Nhưng giờ đây cô rất mạnh mẽ và cứng rắn, để trị những lớp như tôi hồi xưa chắc chỉ là chuyện nhỏ… Giáo viên được đánh giá bằng số năm cống hiến là do vậy. Còn bạn có năng lực, hãy đi dạy trung tâm, hãy mở riêng, bạn còn trẻ, còn vùng vẫy được nhiều, không phải bon chen giữ chân trong nhà nước như vậy. Do đó bây giờ những lớp do người trẻ khai giảng nhằm luyện giao tiếp cơ bản, thi TOEIC, IELTS… được cộng đồng ủng hộ. Vậy nên nói nghề giáo không lỗi thời là đúng, nhưng an nhàn không bon chen tính toán thì phải xem lại.
3- Đi dạy vì muốn được tôn trọng:
Nhiều bạn tới thời điểm này cũng có ý nghĩ như vậy, đó là sự thật, bạn sẽ được tôn trọng khi đi dạy. Vì truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc Việt Nam ta đã có từ bao đời nay rồi. “Kính thầy mới được làm thầy”- ai cũng hiểu nguyên tắc đó. Bởi cha mẹ gởi con đi học chỉ mong nó nên người. Nó hư cho cô đánh, thầy đánh, về nhà còn bướng bị đánh thêm 1 chập cho sợ, rồi mới chịu học. Dường như quan niệm đó đã xa vời ở thế kỉ 21 rồi. Giờ đây trẻ em ở thành thị và cho dù ở nông thôn cũng đã hiện đại hóa trở thành đô thị. Nên một khi con cái họ trở thành những công chúa, hoàng tử, thì những gì mà giáo viên thể hiện sẽ bị xem xét và đánh giá lại. Bây giờ 1 lớp học vẫn 50 đứa, nhưng ba mẹ của chúng mang những quan điểm hoàn toàn khác nhau. Những ông bố bà mẹ 7x, 8x, 9x, các thế hệ khác nhau dõi theo 1 người giáo viên đứng lớp. Có người cho phép cô giáo la mắng, đánh đập, nhưng có người lại không cho. Và thậm chí cách nuôi dạy của những người ở trung tâm thành phố cũng khác cách ở vùng ngoại ô, nên những đứa trẻ sẽ mang nhiều tính cách riêng theo từng khu vực. Bây giờ xã hội có tiền là có quyền, trong khi đó trung tâm tư nhân mở ra nhan nhản với mong muốn chiều lòng quý phụ huynh, những điều ấy vô tình tạo nên mối quan hệ tiền bạc sòng phẳng trong việc giảng dạy. Giáo viên thì có tiền mới cưng con cái phụ huynh, còn phụ huynh có tiền có quyền yêu cầu giáo viên cưng con mình hơn.



"cô cảm thấy bất lực với cái lớp của tôi"

Những văn hóa trọng địa vị đồng tiền ấy chẳng biết từ khi nào nhen nhóm lên từ cộng đồng những con người văn minh hiện đại. Để rồi giờ phải nghe tin trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng: cô giáo phải quỳ trước mặt phụ huynh để xin lỗi, học trò đánh thầy cô tay đôi trên lớp, giáo viên câm như hến suốt năm học, bắt học sinh uống nước giẻ lau… Sự phổ cập ngày càng lớn của giáo dục và sự phổ thông của mạng xã hội tôi nghĩ ít nhiều gây ra những điều này. Đơn giản thôi, ví dụ lúc trước cũng có những cô giáo vì phút yếu lòng đánh mất danh dự quỳ xuống xin lỗi phụ huynh, nhưng sau đó mọi chuyện được giữ kín, chẳng có camera hay máy ghi âm nào ghi lại, mọi chuyện cứ thế trôi qua…cho nên nói rằng nghề giáo bị tha hóa là sai lầm, đó thực ra là ảnh hưởng tiêu cực của một bộ phận vì đồng tiền đánh mất đi bản chất nghề nghiệp của người thầy, và cũng vì nó mà đánh mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo của phụ huynh. Ngay cả sự hiện đại hóa trong giáo dục cũng nên đi đôi với việc tôn trọng đạo lý. Nếu bạn cảm thấy văn hóa Việt Nam quá lạc hậu so với nước ngoài thì đi du học là cách tốt nhất. Vì vậy thời này bạn đi dạy để mong được tôn trọng thì cũng đúng đấy, nhưng nên dè chừng thì hơn, vì bạn có thể bị hệ lụy của đồng tiền làm ảnh hưởng bất kỳ lúc nào, khiến bạn mất tự chủ và trở thành những cô giáo, thầy giáo kia...

Không có nhận xét nào:

CHUẨN BỊ CHO PHẦN CỦA MÌNH

Niềm hân hoan trong ngày đầu năm 2024 của tuổi 30 khiến tôi muốn ngồi viết vài dòng. Thứ nhất hân hoan vì xung quanh bạn bè, anh em dần có g...